Được sự nhất trí của ban giám hiệu, ngày 04/12/2024 tổ Hóa – Sinh – KTNN đã thực hiện chuyên đề: "Sử dụng một số kỹ thuật dạy học tích cực để nâng cao chất lượng giờ dạy" với mục đích giúp các thầy cô đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ nắm rõ một số kĩ thuật dạy học tích cực và vận dụng trong giảng dạy hiệu quả.
Tham dự buổi chuyên đề có cô Nguyễn Thị Huyền – Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Bá Minh – Phó hiệu trưởng cùng 61 thầy cô giáo trong hội đồng sư phạm nhà trường.
Thầy cô giáo nhà trường tham dự chuyên đề
Mở đầu buổi chuyên đề, cô Lê Thị Duyên – Tổ trưởng chuyên môn tổ Hóa – Sinh - KTNN giới thiệu mục đích, ý nghĩa của chuyên đề và chia sẻ một số kỹ thuật dạy học tích cực hay được áp dụng và áp dụng có hiệu quả trong thực tế giảng dạy.
Cô Lê Thị Duyên giới thiệu, chia sẻ các kỹ thuật dạy học tích cực
Một trong những kỹ thuật dạy học hay, phát huy tích cực vai trò người học là kỹ thuật “mảnh ghép”. Đây là hình thức học tập hợp tác kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm: Giải quyết một nhiệm vụ phức hợp (có nhiều chủ đề), kích thích sự tham gia tích cực của học sinh và nâng cao vai trò của cá nhân học sinh trong quá trình hợp tác. Học sinh không chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở vòng 1 mà còn phải truyền đạt lại kết quả vòng 1 và hoàn thành nhiệm vụ ở vòng 2. Cô đã chia sẻ cách tiến hành kĩ thuật "Mảnh ghép" qua một video bài giảng thực tế được áp dụng tại nhà trường. Ngoài ra cô còn chia sẻ một số kỹ thuật dạy học tích cực khác đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế: Kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật sơ đồ tư duy, kỹ thuật đóng vai, dạy học dự án,…
Tiếp theo, cô Phạm Thị Bích Liên – tổ phó chuyên môn chia sẻ kỹ thuật trò chơi và giới thiệu một số trò chơi có thể được sử dụng trong quá trình dạy học như trò chơi hái táo, mảnh ghép, vòng quay may mắn,.... Đây là một kỹ thuật dạy học tích cực được sử dụng linh hoạt với các mục đích truyền tải kiến thức khác nhau. Kỹ thuật này có thể áp dụng để khởi động vào bài mới, tìm hiểu một nội dung kiến thức trong bài hoặc vào hoạt động vận dụng, củng cố, khắc sâu kiến thức. Với rất nhiều trò chơi phong phú, đa dạng, kích thích tư duy chủ động, sáng tạo và đặc biệt tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Cô Phạm Thị Bích Liên, giới thiệu chia sẻ kỹ thuật trò chơi
Cuối cùng, với mục đích giúp các thầy cô trong hội đồng sư phạm nhà trường được tham gia và trải nghiệm thực tế vào một kỹ thuật dạy học cụ thể. Cô Hoàng Thị Nguyệt và thầy Trần Quang Phát tổ chức một hoạt động dạy học áp dụng kỹ thuật lẩu băng chuyền. Đây là một trong những kỹ thuật dạy học được áp dụng thực tế trong giảng dạy rất hiệu quả.
Thầy Trần Quang Phát chia sẻ kỹ thuật lẩu băng chuyền
Cô Hoàng Thị Nguyệt đang hướng dẫn kỹ thuật lẩu băng chuyền
Thầy cô giáo hào hứng thực hiện kỹ thuật lẩu băng chuyền
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, cùng với sự nhiệt tình hưởng ứng của toàn thể các thầy cô giáo trong nhà trường, chuyên đề “Sử dụng một số kỹ thuật dạy học tích cực để nâng cao chất lượng giờ dạy" của tổ Hóa – Sinh – KTNN diễn ra thành công tốt đẹp. Chuyên đề đã chia sẻ được những kỹ thuật dạy học tích cực rất thiết thực, đặc biệt, qua chuyên đề này, các thầy cô được trải nghiệm và hiểu rõ hơn cách áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực vào thực tế giảng dạy. Với đội ngũ giáo viên nhà trường có trình độ chuyên môn vững vàng và tinh thần ham học hỏi, sức trẻ, sự nhiệt huyết, sáng tạo, chúng tôi tin tưởng trường THPT Hoài Đức C sẽ ngày càng phát triển vững mạnh và khẳng định vị thế của mình trong ngành giáo dục thủ đô.