Ngay từ khi ra đời (03/02/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã xác định rõ con đường đấu tranh giải phóng giai cấp và dân tộc, nhấn mạnh vai trò của một quân đội công nông làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành cách mạng. Trong các phong trào cách mạng như Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), lực lượng tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã hình thành, đặt nền móng đầu tiên cho lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, các đội vũ trang khác như Đội du kích Bắc Sơn, các đội du kích Nam Kỳ và Cứu quốc quân lần lượt ra đời, tạo tiền đề cho sự phát triển của quân đội cách mạng.
Theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng Quân được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (nay thuộc xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Với 34 chiến sĩ, đội quân này được tổ chức thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng Quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền” và “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lập công lớn tại Phay Khắt và Nà Ngần. Chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các chiến thắng như Việt Bắc (1947) và chiến dịch Biên Giới (1950) thể hiện bước trưởng thành và đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật quân sự của quân đội ta.
Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944 - 1954).
Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) được củng cố, phát triển, tiến dần đến chính quy hóa và hiện đại hóa. Các lực lượng hải quân, không quân, và lục quân dần được xây dựng bài bản, lớn mạnh đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 gây chấn động lớn, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và đến bàn đàm phán với ta ở Pari.
QĐNDVN tiếp tục mở các chiến dịch lớn như Đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, gây tổn thất nặng nề cho quân Mỹ và quân ngụy. Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" buộc Mỹ ký Hiệp định Paris (1973), rút quân khỏi Việt Nam.
Thông qua các chiến dịch lớn như Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ta giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Hải quân cũng góp công lớn khi giải phóng quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định vai trò lực lượng chính trị và chiến đấu trung thành, đáng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, giữ vững truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng hiện đại hóa, rèn luyện kỷ luật và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và hòa bình cho đất nước. Đồng thời, quân đội luôn tích cực tham gia lao động sản xuất, công tác, góp phần xây dựng đất nước.
Nhằm tôn vinh truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 22/12 làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ngày này không chỉ là dịp tưởng nhớ và tri ân những chiến công hào hùng mà còn là cơ hội phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tập thể Đảng bộ, lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh trường THPT Hoài Đức C đang tích cực thi đua dạy tốt - học tốt, quyết tâm góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.