Các thầy cô giáo tham gia hội giảng đã chuẩn bị chu đáo cho các giờ dạy; sử dụng tốt và khai thác có hiệu quả công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học, đặc biệt là ứng dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực như:
- Kĩ thuật lẩu băng chuyền: Lẩu băng chuyền là một kĩ thuật dạy học tích cực, dùng để tổ chức cho học sinh hoạt động theo cặp, để chia sẻ bài học hoặc thực hiện nhiệm vụ mà giáo viên yêu cầu một cách hiệu quả, tránh nhàm chán, tạo sự hào hứng trong tiết học.
- Kĩ thuật vảy cá: Là hình thức tổ chức hoạt động mang tính hợp tác kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm nhằm: kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực; tăng cường tính độc lập, trách nhiệm của cá nhân học sinh. Qua tiết học, các em đã nhanh chóng biến kiến thức từ sách vở, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, trở thành tri thức của bản thân.
- Kĩ thuật khăn trải bàn: Kĩ thuật này giúp cho hoạt động nhóm có hiệu quả hơn, mỗi học sinh đều phải đưa ra ý kiến của mình về chủ đề đang thảo luận, không ỷ lại vào các bạn học khá, giỏi
- Kĩ thuật mảnh ghép: Kỹ thuật dạy học mảnh ghép có tác dụng kích thích tư duy sáng tạo và tính chủ động, phát huy sự năng động của học sinh, đồng thời rèn luyện cho các em tinh thần làm việc cá nhân, làm việc tập thể, kỹ năng trình bày kiến thức trước nhóm.
…
Những giờ dạy ứng dụng PPDH tích cực
Phương pháp dạy học tích cực hướng tới hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, dẫn dắt và gợi mở vấn đề, học sinh là trung tâm của quá trình dạy học. Phương pháp dạy học tích cực sẽ làm tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, học sinh và học sinh. Học sinh được tự do sáng tạo, được trực tiếp tìm hiểu, trao đổi, thảo luận, giải quyết vấn đề để từng bước khám phá, chiếm lĩnh tri thức nên các em không chỉ nắm vững kiến thức hơn mà còn có cơ hội rèn luyện các năng lực như năng lực tự học, giải quyết vấn đề, hợp tác, giao tiếp,… Thêm vào đó, mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa học sinh và học sinh cũng trở nên gần gũi hơn, gắn kết hơn.
Cô Nguyễn Thị Mai - Giáo viên môn Toán - nhận định: việc ứng dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực làm không khí lớp học sôi nổi, các em học sinh được vừa học vừa chơi nên luôn có tinh thần thoải mái, chủ động, tích cực tham gia vào bài học. Cô Nguyễn Thúy Quỳnh - Giáo viên môn Ngữ văn - nêu cảm nhận: Trong các tiết học ứng cụng PPDH tích cực, học sinh có cơ hội phát huy những năng lực tiềm ẩn của bản thân, được rèn luyện kĩ năng thuyết trình, làm việc nhóm, CNTT,…, Vì vậy các em trở nên các em tự tin hơn. Đây là một trong những phẩm chất rất quan trọng giúp các em đạt được thành công trong cuộc sống.
Với việc ứng dụng các phương pháp, kĩ thuật tích cực trong dạy học, các thầy cô giáo trường THPT Hoài Đức C đã và đang góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường của các em học sinh là một ngày vui.